Nhật Ký Nguyễn Phượng

Lá thư của Bukowski về chế độ nô lệ kiểu mới: “Sống để làm việc”

Có một cuốn sách của Charles Bukowski đã thay đổi cách nghĩ của tôi. Đó là cuốn “Factotum“, một cuốn tiểu thuyết tự truyện kể về cuộc phiêu lưu của một thanh niên liều lĩnh đi du lịch vòng quanh nước Mỹ, liên tục chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác, từ cơn say này sang cơn say khác. Mặc dù đó là một cuốn tiểu thuyết thô tục và cực đoan nhưng nó là câu chuyện chân thật và không bị cắt gọt bởi những khuôn phép của những kẻ cố chấp của thời đại. Và Bukowski, nhìn thấy vẻ mặt kinh hoàng của những kẻ cố chấp ấy, ông càng làm già, vừa cười vừa uống một cách sung sướng.

Tôi đọc cuốn này khi mới có 24 tuổi. Có thể không phải tình cờ mà do Vũ trụ sắp đặt trước. Vì thế tôi không bị rơi vào cãi bẫy “nô lệ kiểu mới” với khái niệm làm việc vất vả mới là điều đáng tự hào. Bạn bè tôi nhiều lần mỉa mai tôi khi tôi mới ra trường: “tao kiếm được 1 tỷ/năm, còn mày thì bao nhiêu?”, tôi cười: “tao học tiếp”. Nó bảo “nghề chính của mày là đi học à? Lấy học bổng để sống à?”. Tôi không nói gì. Vì giải thích ra những điều mà tôi đang viết ở đây quá dài dòng, nó lại bảo tôi hâm. Có đứa ghét tôi vì bệnh “nghiện chữ” rồi.

Quay lại chuyện Bukowski. Năm 1971, Charles Bukowski quyết định nghỉ việc tại bưu điện nơi ông đang làm việc nhưng cực kỳ ghét công việc này. Ở tuổi 49, ông quyết định trở thành một nhà văn toàn thời gian, với số tiền lương thực sự ngớ ngẩn và ít ỏi: 100 đô la một tháng do một nhà xuất bản tài trợ. John Mảtin là người đã đưa ra đề xuất này mà không ngờ rằng mình đã góp phần rất lớn vào công cuộc “giải phóng” cho Bukowski. Mười bảy năm sau, Bukowski viết cho John một lá thư để cảm ơn, vì nhờ thế mà đó ông đã trở thành một nhà văn chính thức. Đó là một bức thư làm cho chúng ta phải suy ngẫm về sự vô lý của lối sống “bình thường” và “đúng đắn” theo khuôn mẫu của xã hội hiện đại áp đặt cho chúng ta. Tôi xin dịch lại để các bạn tham khảo.
“Chào John,

Cảm ơn vì đã viết thư cho tôi. Tôi nghĩ không có gì sai trái khi nhớ về nguồn gốc của mình. Anh đã biết tôi là ai và từ đâu tới. Những người viết về thế giới trước đây của tôi hoặc làm phim về nó thực ra họ chẳng hiểu gì. Họ gọi cuộc sống đó là “từ 9h đến 5h” nhưng công việc kiểu đó không bao giờ 9 từ đến 5 giờ chiều.

Anh không được nghỉ trưa ở những nơi đó, bởi vì những nhân viên khác vì sợ mất việc nên không muốn làm điều đó. Tiếp đến là thời gian làm thêm giờ và các bản chấm công dường như không bao giờ thực sự cho biết anh đã ở lại bao lâu. Và nếu anh phàn nàn về tất cả những điều này, sẽ có một kẻ thất bại khác như anh sẵn sàng thế chỗ.

Anh còn nhớ câu nói trước đây của tôi không? “Chế độ nô lệ chưa bao giờ bị xóa bỏ, nó chỉ đơn giản là lan rộng đến mọi màu da”.

Điều khiến tôi đau lòng là phải chứng kiến sự suy tàn liên tục của loài người đang phải vật lộn để nắm giữ những công việc không muốn nhưng lại quá sợ hãi mất nó. Tất cả đều trống rỗng. Họ chỉ đơn giản là những thể xác chứa đầy sợ hãi, với những tâm trí phục tùng. Họ không còn màu sắc trong mắt. Giọng nói của họ trở nên gớm ghiếc. Và cơ thể của họ cũng vậy. Tóc, móng tay, giày. Mọi thứ trở nên gớm ghiếc.

Từ khi mới lớn, tôi đã không thể tin rằng mọi người đánh đổi mạng sống của họ cho những điều kiện đó. Đến khi trở thành một người đàn ông già như tôi ngày hôm nay, tôi vẫn không thể tin được.

Họ chấp nhận cuộc sống như vậy để đổi lấy cái gì? Tình dục? Đồ điện tử? Một chiếc xe trả góp? Sinh con đẻ cái? Những đứa trẻ sẽ có cuộc sống khốn khó giống y như họ?

Cách đây nhiều năm, khi tôi còn trẻ và liên tục thay đổi từ công việc này sang công việc khác, tôi đã ngây thơ nên đến mức hỏi một đồng nghiệp: “Này, anh có nhận thức được rằng bất cứ lúc nào ông chủ cũng có thể vào đây và đuổi việc tất cả chúng ta không? ”

Họ nhìn tôi. Đối với họ, tôi đại diện cho một suy nghĩ mà họ không muốn dung nạp vào đầu. Hiện nay trong thế giới việc làm luôn xảy ra việc sa thải nhân viên hàng loạt. Hàng trăm nghìn người rơi vào tình trạng việc làm và cảm thấy choáng váng.

“Tôi đã cống hiến 35 năm cuộc đời mình cho công việc đó …

“Điều đó thật không đúng”

“Tôi không biết phải làm gì”

Sự thật là người nô lệ không bao giờ được trả đủ để có được tự do. Họ được trả lương chỉ để có thể sống qua ngày và buộc phải đi làm ngày tiếp theo. Tôi đã thấy tất cả những điều này. Tại sao người khác không nhìn thấy được? Với tôi một chiếc ghế băng trong công viên hoặc ban công ở quán bar cũng đủ để tôi sống qua ngày. Tôi nghĩ tại sao mình không kết thúc công việc ở đó ngay lập tức? Tại sao phải đợi đến lúc họ đuổi tôi?

Thật là nhẹ nhõm khi thoát ra khỏi hệ thống tồi tệ đó. Và bây giờ tôi đang ở đây, một người được gọi là nhà văn chuyên nghiệp, sau khi từ bỏ năm mươi năm đầu tiên của cuộc đời mình, tôi thậm chí còn nhận ra rõ ràng hơn rằng nó kinh tởm như thế nào. Tôi nhớ có lần, tôi làm việc trong một công ty đóng gói. Một lần, một trong những công nhân khác đã bị khủng hoảng và nói to: “Tôi sẽ không bao giờ được tự do!” Một trong những người quản lý đi ngang qua gần đó (tên anh ta là Morrie) và cười một cách kinh hoàng, thích thú với việc người đàn ông bị mắc kẹt suốt cả cuộc đời.

Tôi đã đủ may mắn để thoát khỏi những nơi đó và không cần biết tôi phải mất bao lâu: nó mang lại cho tôi một niềm vui giống như một phép màu. Bây giờ tôi viết với một tâm hồn già dặn bên trong một cơ thể già nua, vượt xa cái tuổi mà một người đàn ông nghĩ rằng họ có thể viết. Nhưng vì tôi đã bắt đầu quá muộn, nên tôi nợ chính mình: Tôi phải tiếp tục.

Và khi tôi không phân biệt được các từ ngữ và tôi cần ai đó giúp tôi leo lên cầu thang, khi tôi không còn phân biệt được một con chim với một chiếc kẹp kim loại, tôi chắc chắn rằng tôi sẽ vẫn nhớ rõ cách tôi thoát ra khỏi cuộc sống tàn sát của nhà máy để ít nhất là thành công và chêt một cách tự hào.

Không lãng phí toàn bộ cuộc sống của mình với tôi là một thành công lớn.

Charles Bukowski, 1988
Người dịch: Đặng Tố Nga
https://www.facebook.com/1323898279/posts/10217605354748721/?d=n

Follow me
Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Follow me

Về Nguyễn Phượng

Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Xem tất cả các bài viết của Nguyễn Phượng →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *