Nhật Ký Nguyễn Phượng

Tại sao sự dịu dàng thường bị xem nhẹ?

Tại sao sự dịu dàng lại bị xem nhẹ

“Nothing is so strong as gentleness, and nothing is so gentle as real strength.”
Không có gì mạnh mẽ hơn sự dịu dàng, và không có gì dịu dàng hơn sức mạnh thực sự.
– Francis de Sales

“Xin chào KnowYourself, bạn gái của tôi đã giới thiệu tôi follow bạn và cô ấy bảo tôi nên đọc thêm những bài viết của bạn. Tôi có một câu hỏi và muốn được tham khảo ý kiến.

Tình cảm giữa tôi và bạn gái vốn rất tốt, nhưng chúng tôi luôn phải đối mặt với một khó khăn. Hai chúng tôi là những người suy nghĩ độc lập và có ý tưởng của riêng mình. Cô ấy là bạn cùng trường đại học với tôi. Khi học đại học, chúng tôi cũng cùng nhau tham gia câu lạc bộ tranh luận. Bình thường tôi rất ngưỡng mộ sự logic và khả năng hùng biện của cô ấy, nhưng trong cuộc sống, chúng tôi thường dễ dàng tranh chấp vì một sự việc rất nhỏ, và quá trình tranh chấp này đã tạo ra nhiều cuộc cãi vã.

Tôi cảm thấy là tôi với cô ấy đang tranh luận, cô ấy cũng cảm thấy bản thân rất có lý, chỉ là chúng tôi đều cứng đầu với một vài vấn đề, đều không kiểm soát được cảm xúc của mình và đôi khi chúng tôi nói những lời nặng nề với nhau.

Mỗi lần mâu thuẫn không ngừng leo thang, cô ấy đều rất giận dữ mà đề nghị chia tay, và tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi cảm thấy vấn đề này làm tổn hại đến tình cảm của chúng tôi. Xin hỏi, bạn có thể cho tôi một số ý tưởng để giải quyết cục diện này không?”

Chúng tôi thường nhận được câu hỏi từ các cô gái. Nhưng khi nhìn thấy chàng trai này vì bạn gái của mình mà tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ, chúng tôi cảm thấy tình cảm của cậu ấy dành cho bạn gái rất đáng được ghi nhận, có thể nhìn thấy được sự nỗ lực của cậu ấy với đoạn tình cảm này.

Hôm nay, chúng tôi muốn trò chuyện với mọi người một chút, trong mối quan hệ giữa các cá nhân, có một kỹ năng cảm xúc thường bị mọi người coi nhẹ – đặc biệt là trong thời đại nhấn mạnh vào sự độc lập và cái tôi này. Kỹ năng giao tiếp này là ” sự dịu dàng”. (tenderness)

Tại sao nói rằng, chúng ta cần nhiều sự dịu dàng hơn để làm cho kết nối giữa chúng ta trở nên bền vững hơn? Tại sao sự dịu dàng không phải là một việc dễ dàng? Có phải sự dịu dàng với sự kiên trì mâu thuẫn lẫn nhau? (Câu trả lời là không mâu thuẫn, sẽ được mô tả phía dưới).

01. Dịu dàng: một loại sức mạnh bị lãng quên

Sự dịu dàng mà chúng ta đang nói đến không chỉ là những hiện tượng bề mặt hời hợt như sự lịch sự hay những lời nói nhẹ nhàng. Đó là một loại phẩm chất đặc biệt của nhân cách. Phẩm chất có thể có trước khi bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, và cũng có thể bởi ảnh hưởng của những tác động sau này mà tạo thành. Điều đó có nghĩa là, một số người đã vốn sinh ra là một người dịu dàng, nhưng quan trọng hơn, con người ta có thể thông qua việc chủ động lựa chọn mà trở thành một người dịu dàng.

Thế thì, một người dịu dàng rốt cuộc sẽ như thế nào? Dùng ngôn ngữ của Tâm lý học để mô tả, thì một người dịu dàng sẽ có:

a. Khả năng kiểm soát xung động tốt hơn.

b. Khả năng đồng cảm.

c. Khả năng điều tiết cảm xúc.

d. Khả năng khoan dung với sự thất vọng (frustration) cao hơn.

e. Có nhận thức tốt hơn về những thay đổi của bản thân.

Vì vậy mà họ ít có khả năng bế tắc trong các mối quan hệ con người. Họ có thể nhận ra cảm xúc của mình là gì, mà không để cảm xúc mãnh liệt khiến họ mất kiểm soát, và ít có những hành động bốc đồng hoặc phá hoại. Do đó, những người thực sự dịu dàng sẽ có khả năng giải quyết khó khăn, bình tĩnh hơn khi đối mặt với khủng hoảng và ít bị kích động hơn khi bị thế giới bên ngoài khiêu khích. Đồng thời, họ ít bức hại người khác hơn, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với người khác nhiều hơn.

Ví dụ, khi hai người xảy ra va chạm, một người không dịu dàng có thể trút những cảm xúc tiêu cực hoặc đưa ra những lời nói và hành động gây tổn thương. Còn một người dịu dàng, ngay cả khi anh ta cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, anh ta vẫn sẽ giữ lại một phần, dưới sự tự giám sát, lựa chọn một cách thức phù hợp hơn, nhẹ nhàng hơn, để giải quyết vấn đề, mối quan hệ và biểu đạt bản thân.

Khi đối mặt với xung đột, hai người trong trường hợp ở đầu bài viết thiếu đi “sự dịu dàng” đối với nhau. Thay vào đó, sự “phòng bị” xuất hiện. Phòng bị khiến hai người ngày càng suy nghĩ nhiều hơn về việc xù lông bảo vệ bản thân, và cái giá phải trả chính là mối quan hệ bị tổn hại.

Sự dịu dàng không phải là không có cách nghĩ của riêng mình, ngoan ngoãn, thụ động hay bất lực.

Đây là sự hiểu lầm phổ biến nhất đối với sự dịu dàng.

Khi có xung đột, mâu thuẫn giữa các cá nhân, một người dịu dàng hoàn toàn có thể có lập trường riêng của anh ta, nhưng cách anh ta thể hiện lập trường của mình sẽ luôn dịu dàng. Trong những trường hợp như vậy, họ vẫn có thể thể hiện được sự tự kiềm chế và nhận thức về tình huống. Trong một bầu không khí căng thẳng, thay vì phản ứng theo cách thức cũng căng thẳng như vậy, anh ta có thể chọn đưa ra một phản ứng có thể làm dịu tình hình một cách hiệu quả.

“Tôi từng có một cô bạn gái đặc biệt tốt. Nhưng lúc cãi nhau tôi thường muốn áp đảo đối phương. Nhưng cô ấy lại chưa từng to tiếng với tôi một lần. Mặc dù thái độ của cô ấy vẫn rất kiên định, nhưng sự bình tĩnh của cô ấy đã làm tôi bình tĩnh theo. Nó khiến tôi cảm thấy rằng ngay cả trong một cuộc cãi vã, khi cô ấy khăng khăng với ý kiến của mình, cô ấy vẫn sẽ xem xét và quan tâm đến cảm xúc của tôi. Điều này khiến tôi sẵn sàng thay đổi vì cô ấy hơn.”

Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ lập trường của mình – họ có thể chọn thời điểm khi bầu không khí dịu xuống rồi mới dùng một cách thức hòa nhã để thể hiện lập trường của mình.

“Khi tôi bình tĩnh lại, tôi mới thực sự bắt đầu lắng nghe cô ấy giải thích về nhu cầu và lập trường của mình. Cô ấy khuyến khích tôi đặt câu hỏi cho cô ấy và sẽ kiên nhẫn giải thích cho tôi. Khi tôi có thể hiểu hơn về con đường của cô ấy, tôi sẽ thêm tin tưởng về lựa chọn của cô ấy. Tôi nghĩ cô ấy là một tấm gương sáng cho cuộc sống của tôi.”

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự dịu dàng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hài lòng và ổn định trong hôn nhân. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự dịu dàng cũng tốt sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong xã hội hiện nay, kìm nén sự dịu dàng là một hiện tượng phổ biến. Đặc biệt đối với nam giới, với sự nam tính thì nhạy cảm và dịu dàng thường được coi là một bất lợi, không phải là một đức tính tốt đẹp. Vì thế một bộ phận nam giới, trong các mối quan hệ thân thiết, họ không biết cách làm sao để cư xử dịu dàng. Mặt khác, không chỉ đối với nam giới mà với mọi người nói chung, xã hội này ca ngợi sự kiên nghị, quả cảm và thậm chí là sức mạnh. Đây được coi là phẩm chất có lợi hơn để cạnh tranh và thành công, là biểu hiện của quyền lực. Đồng thời, việc thiếu đi cảm giác an toàn giữa con người là một thể nghiệm cho tất cả mọi người trong thời đại này, bởi vì đây là một xã hội cá nhân và đầy xa lạ. Sự dịu dàng là một thể nghiệm chứa đựng sự mỏng manh, loài người vì sợ hãi, mà cự tuyệt tất cả những cảm xúc chứa đựng sự mỏng manh. Cuối cùng, xã hội phương Tây và xã hội hiện đại khiến chúng ta nhấn mạnh các ranh giới, nhấn mạnh sự tôn trọng nhiều hơn giữa mọi người. Sự tôn trọng ngăn cản chúng ta làm tổn thương nhau, nhưng đó là một loại cảm giác lạnh nhạt hờ hững. Để tăng cường mối liên kết giữa con người, chúng ta cần một điều gì đó nhẹ nhàng và gần gũi hơn, đó chính là sự dịu dàng.

02. Trong mối quan hệ con người, sự dịu dàng có thể làm những điều mà quyền lực không thể

Thế hệ con người ngày nay rất ích kỷ và rụt rè. Rất khó để họ có thể vì người khác mà thỏa hiệp hay thay đổi. Họ không tình nguyện, và cũng chẳng dám làm như vậy. Do đó, hầu hết trong số họ chọn cách giải quyết xung đột trong các mối quan hệ của mình theo cách “bảo thủ”, và họ tranh luận với nhau rằng đối phương mới là người nên thay đổi. Kiểu tư duy này tất nhiên cần thiết, và nó có lợi cho việc tạo nên các ranh giới. Nhưng những thứ mà sự dịu dàng có thể làm được sẽ nhiều hơn là “bảo thủ”.

Dịu dàng, là khi một người buông xuống sự phòng vệ, sẵn sàng dành cho đối phương sự đồng cảm. Khi cả hai người đang rất tức giận, phía dịu dàng có thể kiềm chế bản thân, và trước tiên họ sẽ nỗ lực thể hiện sự đồng cảm và kiểm soát cảm xúc. Loại nỗ lực này có thể được cảm nhận bởi bên còn lại. Như người được phỏng vấn trước đã nói, bản thân sự dịu dàng là một trạng thái cho đi và họ có thể làm gương cho bên kia trong một mối quan hệ. Bằng cách mang lại cảm giác an toàn cho đối phương trong mối quan hệ, từ đó giúp họ dễ dàng mở lòng hơn, buông xuống sự phòng thủ và thể hiện con người thật của họ, để mối liên kết giữa các bạn trở nên sâu sắc hơn, thấu đáo hơn và vững chắc hơn. Sự dịu dàng có thể lưu động giữa cả hai người, và khi sự dịu dàng được thể nghiệm bởi hai người, họ có thể ở bên nhau một cách hòa hợp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra:

“Sự dịu dàng làm cho trái tim của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn, giúp chúng ta nhận ra khi đối phương trở nên gay gắt thì có thể có một lý do nào đó đằng sau mà chúng ta không biết. Nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận đối phương ở góc độ tổng thể, nghĩa là không bị hạn chế bởi một vài biểu hiện được thể hiện bởi đối phương, cũng như bị hạn chế bởi những khuôn mẫu của chính chúng ta.”

Sự dịu dàng có thể giúp chúng ta nhận biết mọi người xung quanh từ những góc độ khác nhau, thật sự nhận biết được họ mà không bị ảnh hưởng bởi những hành vi chúng ta không thích ở họ, bao gồm cả những thông tin mà chúng ta nghe được về người này. Sự dịu dàng cũng cho phép cả hai bên tin tưởng thiện chí của nhau hơn, từ đó sẵn sàng bỏ ra nỗ lực chung cho mối quan hệ.

Sự dịu dàng chính là chấp nhận, là tin tưởng, là vì quan tâm đối phương mà tự mình kiềm chế. Khi chúng ta thực hành sự dịu dàng trong cuộc sống hàng ngày, nó có năng lượng cực lớn để thay đổi trạng thái của các mối quan hệ của chúng ta. Như trong trường hợp đầu tiên của bài viết, nếu có mâu thuẫn, trước tiên hãy có một cử chỉ nhẹ nhàng, tôi tin rằng cách thức và trạng thái của hai người đối phó với xung đột cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Do đó có thể nói rằng, trong các mối quan hệ con người, sự dịu dàng mạnh mẽ hơn nhiều so với sự cứng rắn. Nó có thể giúp bạn thể hiện lập trường của mình với người khác tốt hơn trong mối quan hệ, và nó cũng có thể ảnh hưởng đủ đến đối phương, cảm hóa họ và khiến họ sẵn sàng bỏ ra nỗ lực cho mối quan hệ như giống như bạn đang nỗ lực.

03. Làm thế nào để trở thành một người có sức mạnh dịu dàng như vậy?

Sự dịu dàng không chỉ là một loại kỹ năng giao tiếp giữa con người. Như đã nói ở trên, nhiều lần, nó cũng là một lựa chọn – tình yêu là những điều thường nhật. Khi bạn bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực, ai sẽ chọn làm một người dịu dàng trước đây?

Sự dịu dàng không chỉ đơn giản là nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự. Nó đầu tiên đến từ động cơ bên trong nội tâm mỗi người.

Các nhà nghiên cứu tin rằng: khi kỳ vọng của chúng ta là tối đa hóa hạnh phúc và lợi ích của bản thân và người khác (desire to support the utmost good of self and others), Chúng ta tự nhiên sẽ trở thành một người thân thiện và dịu dàng, bởi vì hành vi của chúng ta sẽ tự nhiên bộc lộ theo mong muốn sâu sắc của chúng ta. Vì vậy, nếu bạn muốn có một sức mạnh dịu dàng đặc biệt như vậy, trước hết, bạn cần để trái tim mình chân thành quan tâm nhiều hơn đến người khác, quan tâm đến bản thân, và sống trong một thái độ thân thiện, không phòng thủ.

Nhiều lúc, chúng ta luôn vô thức khai mở trạng thái phòng vệ. Thay vì nghĩ về việc “tôi có thể làm gì để khiến bản thân và người khác cảm thấy tốt hơn”, chúng ta nghĩ nhiều hơn về việc “tôi có thể làm gì để tránh người khác làm tổn thương tôi”. Khi đó, hành vi của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong các mối quan hệ con người, chúng ta thường cố gắng có được cảm giác kiểm soát tạm thời thông qua sự tức giận, buộc tội và phân biệt đối xử, vội vã làm tổn thương đối phương để tránh trở thành bên bị tổn thương.

Nói cách khác, nếu bạn muốn có sức mạnh của sự dịu dàng, bạn phải chủ động chọn trở thành một người dịu dàng.

Ngoài ra, bạn cần rèn luyện lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày. Lòng biết ơn có thể giúp bạn luôn dịu dàng, trái lại với oán hận và chí trích. Bỏ ra nhiều nỗ lực hơn, chủ động để ý, ghi nhớ và thường hồi tưởng lại những hành động mà người kia xứng đáng được biết ơn trong các mối quan hệ của bạn. Điều này có thể làm cho trái tim của chúng ta nhẹ nhàng hơn và cho chúng ta can đảm để chọn lựa sự dịu dàng.

Cuối cùng, có một mối quan hệ không thể tách rời giữa sự dịu dàng và chánh niệm: sự dịu dàng đến từ hiểu biết về bản thân, chăm sóc người khác, và điều tiết cảm xúc tốt và kiểm soát xung đột. Và chánh niệm có thể tăng cường loạt khả năng này. Duy trì một sự tò mò với đối phương, để hiểu ý nghĩa thực sự của suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, v.v., thay vì giữ thái độ kiểm soát đối với họ, và đòi hỏi họ phải nhất quán với ý tưởng của mình. Thái độ quan sát mà không phán xét, hiểu biết mà không đem theo giả thuyết chính là những gì chúng ta luyện tập được trong chánh niệm. Tương tự như vậy, khi bạn cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực, thảo luận về nó và thể hiện nó với một thái độ nhẹ nhàng thay vì trút giận bằng hành động là những kỹ năng tương tự chúng ta có thể thực hành trong chánh niệm.

Chánh niệm là một thực hành thiền định. Trong bài tập này, chúng ta học cách quan sát tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ bên trong mình. Đồng thời, bằng cách đặt ra một khoảng cách giữa chúng ta và cảm xúc để quan sát, chúng ta cũng được dạy để duy trì một khoảng cách nhất định với cảm xúc của mình.

Chúng tôi sẽ giới thiệu thực hành chánh niệm chi tiết hơn trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

Arnold, G. (2018). In Praise of Gentleness. naomiarnold.
Exploring your mind. (2016). If There’s No Tenderness, It’s Not True Love. exploringyourmind.
Livingston, M. S. (1999). Vulnerability, Tenderness, and the Experienceof Selfobject Relationship: A Self Psychological View of Deepening CurativeProcess in Group Psychotherapy. International Journal of Group Psychotherapy,49(1), 19–40.
Marino, G.(2013).Try a Little Tenderness.nytimes.
Miller, G. (2007). A Wall of Ideas: The” Taboo on Tenderness”in Theory and Culture. New Literary History, 38(4), 667-681.
Timms, S. (n.d.). Kindness – Why it’s more important than ever. TED xSydney.
______
Người dịch: Trang Thu Trang/ Blog: To a Beautiful Life
https://www.facebook.com/trangpolice194/
Tác giả: KnowYourself

Follow me
Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Follow me

Về Nguyễn Phượng

Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Xem tất cả các bài viết của Nguyễn Phượng →