Từ điển dưỡng da

PARABEN Là Gì?

Chúng ta hay nói với nhau không dùng những sản phẩm mỹ phẩm chứa paraben. Nhưng paraben là gì thì mời bạn đọc bài viết dưới đây nhé! Paraben là chất bảo quản được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm, dược phẩm và một số sản phẩm thực phẩm. Paraben là ester của acid parahydroxybenzoic và thường bao gồm methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben.

Paraben là một nhóm gồm nhiều loại chất bảo quản

Paraben trong các sản phẩm nhân tạo

Các sản phẩm có chứa chất paraben bao gồm xà phòng rửa tay, kem dưỡng da, dầu gội, dầu xả, kem dưỡng và sữa rửa mặt, kem nền, son môi, mascara, xịt tóc, kem đánh răng và kem chống nắng. Methylparaben và propylparaben là những chất paraben được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm dược phẩm với nồng độ lên đến 20%. Chất bảo quản này cũng được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm như kẹo, mứt, chất làm đầy với hàm lượng lên đến 0,1%.

Rất nhiều các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường có chứa paraben

Paraben trong môi trường tự nhiên

Paraben được tìm thấy trong chất thải đô thị có hay không có xử lý. Paraben được phát hiện trong đất canh tác với nguồn gốc từ nước tưới hoặc phân bón. Ngoài ra, paraben còn được phát hiện trong bụi nhà ở. Một số cây trồng như việt quất, cà rốt, ô liu, dâu tây và các loại khác sản xuất paraben (chủ yếu là methylparaben) để kháng lại các vi sinh vật có hại.

Paraben trong cơ thể con người

Paraben có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua da và các đường khác ngoài da. Nồng độ paraben trung bình hàng ngày ước tính khoảng 76 mg, với mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân chiếm 50 mg, 25 mg từ các sản phẩm dược phẩm và 1 mg từ thức ăn. Parabens đã được phát hiện trong nước tiểu, huyết thanh, sữa mẹ và dịch tinh và một số mô khác, đặc biệt là mô vú.

Tác động của paraben đối với sức khỏe

Độc tính mãn

Nghiên cứu trên người và động vật đã không chứng minh được rằng paraben có bất kỳ độc tính cấp tính nào theo các cách sử dụng khác nhau. Như vậy, nhiều nghiên cứu kiểm tra độc tính paraben đã tập trung vào các tác động lâu dài của tiếp xúc mãn tính.

Hoạt tính hormone

Hoạt tính estrogen của paraben lần đầu tiên được xác định vào năm 1998 và đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm và trong cơ thể sống. Paraben gắn kết các thụ thể estrogen của người. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng hoạt tính estrogen của paraben có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú. Tuy nhiên, không có mối liên hệ rõ ràng nên rất khó để đưa ra một mối quan hệ nhân quả giữa paraben và sự phát triển của ung thư vú.

Khía cạnh khác là paraben có thể ảnh hưởng đến hệ sinh dục nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho nhiều ý kiến trái chiều. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tinh trùng người không thể sống sót khi tiếp xúc với paraben ở nồng độ 1 mg/mL. Các kết quả trái ngược nhau cũng đã được báo cáo ở chuột, một nghiên cứu cho thấy số lượng tinh trùng giảm và hoạt động cũng giảm trong khi một nghiên cứu khác cho thấy không có tác dụng phụ về sinh sản. Ở người, những người đàn ông có vấn đề về khả năng sinh sản không tìm thấy sự tương quan giữa số tinh trùng hoặc tính di động với nồng độ paraben.

Dị ứng

Cuối cùng, như trường hợp của nhiều chất bảo quản, paraben có thể gây dị ứng trong một nhóm nhỏ của dân số. Sự nhạy cảm này thường biểu hiện bằng phát ban da. Tỷ lệ báo cáo nhạy cảm đối với paraben dao động từ 0,5% đến 3,5%. Nổi mày đay và co thắt phế quản có thể là một phản ứng nhạy cảm khác, tuy nhiên rất hiếm.

Khuyến cáo sử dụng paraben trong mỹ phẩm

Các ban quản lý của chính phủ nhiều nước đã kiểm tra về các sản phẩm chứa paraben và đa số đồng ý rằng nồng độ paraben hiện tại là an toàn cho người tiêu dùng sử dụng. Tại Hoa Kỳ, bản Đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIR) đánh giá tính an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm và báo cáo cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). CIR đã đề nghị nồng độ paraben tối đa giống như đề xuất của SCCP và theo quy định của EU. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các khuyến nghị của CIR chỉ là hướng dẫn và nhà sản xuất không bắt buộc phải làm theo. Tương tự ở Canada, không có luật quy định nồng độ paraben cụ thể, nhưng Tổ chức Sức khỏe Canada đồng ý với FDA và CIR về sự an toàn của paraben và việc áp dụng các hướng dẫn về nồng độ tối đa.

Có nhiều chất bảo quản có thể được sử dụng thay cho paraben. Một số chất bảo quản thông thường khác bao gồm formaldehyde, quaternium-15, imidazolidinyl urê, diazolidinyl urê và dimethyloldimethyl hydantoin. Các chất bảo quản này thường gây phản ứng dị ứng và một số chất gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, ví dụ như formaldehyde và có thể dẫn đến ung thư. Việc sử dụng các chất bảo quản tự nhiên đã được ủng hộ, bao gồm chiết xuất từ ​​hạt nho grapefruit. Thật không may, chiết xuất này có thể tương tác với các thuốc do khả năng ức chế CYP3A4, một enzym quan trọng liên quan đến sự chuyển hóa của thuốc. Các chất bảo quản tự nhiên khác bao gồm thymol, cinnamaldehyde, allyl isothiocyanate, axit xitric, axit ascorbic và chiết xuất thảo mộc. Các chất bảo quản tự nhiên này ức chế sự phát triển của vi sinh vật trong ống nghiệm, tuy nhiên một vài nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn trong các sản phẩm thực phẩm đã mang lại kết quả không rõ ràng.

Sự kỳ vọng về thời hạn sử dụng lâu dài và các sản phẩm tiêu dùng không chứa vi sinh vật đòi hỏi phải sử dụng chất bảo quản. Lý tưởng nhất là chất bảo quản nên hoạt động ở nồng độ thấp tiêu diệt được nhiều vi sinh vật khác nhau mà không ảnh hưởng đến các thành phần khác trong sản phẩm, đồng thời không gây độc cho con người và có giá thành thấp cho các nhà sản xuất. Paraben đã được sử dụng trong hơn 80 năm qua và bất chấp các báo cáo về phản ứng phụ, chúng đã được chứng minh là một trong những chất bảo quản an toàn nhất và được dung nạp tốt nhất. Mặc dù có mối liên quan giữa paraben với sự suy giảm số lượng tinh trùng hay khả năng gây ung thư vú, nhưng dữ liệu hiện tại không hỗ trợ các quy định nghiêm ngặt hoặc những hạn chế đặc biệt đối với sử dụng hợp chất này.

Nguồn: Khoa Học Làn Da

Follow me
Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Follow me

Về Nguyễn Phượng

Chào bạn! Mình là Nguyễn Phượng, người viết những bài viết trên blog này. Mình thích làm đẹp và cảm nhận cuộc sống. Bởi vậy mình viết về những chủ đề này. Rất vui vì bạn ghé thăm blog và đọc các bài viết của mình. Nếu có ý kiến bạn để lại lời bình nhé!
Xem tất cả các bài viết của Nguyễn Phượng →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *